Liên kết hữu ích
Thống kê truy cập
Đang online: 7
Lượt truy cập: 408949

Chống rác thải nhựa: Cần áp thuế nylon cao nữa

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế cao nhất đang là 50.000 đồng/kg. Tuy theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân thì mức thuế này "vẫn chưa đủ."

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế đang là 50.000 đồng/kg, tuy nhiên khung thuế cao nhất đối với sản phẩm nhựa dùng một lần này vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng. Vì vậy, giải pháp cần hướng đến là áp dụng thuế, phí cao hơn nếu vẫn chọn dùng túi nylon. 

 

Đây là một trong những đề xuất vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đưa ra tại buổi Tọa đàm “Tuyên chiến với rác thải nhựa,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14/11, tại Hà Nội.

Tuyên chiến với rác thải nhựa

Thông tin tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5-7 túi nylon/ngày. Lý do là, “bản thân sản phẩm nhựa và túi nylon rất rẻ tiền và tiện dụng. Thế nên, các bà nội trợ ra chợ chưa xin thêm túi nylon, cô bán hàng đã cho thực phẩm vào, thậm chí là túi nhỏ bỏ trong túi to, túi to bỏ trong túi to hơn. Cứ thế, mỗi lần đi chợ là có hàng chục cái túi nylon như vậy,” ông Nhân chia sẻ.

Điều đáng lo là, mỗi năm ước tính có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người qua mỗi năm đã tăng từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990-2018.

Với thực trạng nêu trên, “nếu chúng ta không kiểm soát tốt nhựa và túi nylon sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế đó không bù đắp được ô nhiễm môi trường, uy tín của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế,” đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lo lắng.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, bà Trịnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng nhận định, việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon sử dụng một lần ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Thực tế này không chỉ dẫn đến rất nhiều tác hại với môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Trong tự nhiên, sản phẩm nhựa khó phân hủy tồn tại đến vài trăm năm, chính sự tồn tại này sẽ làm ảnh hưởng đến đất và nước. Nếu túi nylon được xử lý bằng nhiệt lại sinh ra rất nhiều khí độc. Và với chế độ nhiệt không tốt còn sinh ra cả dioxin, CO2 và một số chất khác gây độc cho cơ thể,” bà Chi nhấn mạnh.

Điều khiến bà Chi băn khoăn là việc người dân đang sử dụng túi nylon như một thói quen trong tiêu dùng hằng ngày đã dẫn đến rác thải ngày càng tăng. Đơn cử như Hà Nội, mỗi ngày thải ra khoảng 5.000 tấn rác, trong đó 7-8% là túi nylon và nhựa khó phân hủy, còn thành phố Hồ Chí Minh cũng thải ra hàng triệu túi nylon.

“Tình trạng này thực sự rất đáng báo động. Nếu chúng ta không nhìn thấy tác hại của túi nylon đối với môi trường, đời sống, sức khỏe con người thì không chỉ thế hệ chúng ta hiện nay mà cả thế hệ sau này sẽ phải chịu ảnh hưởng,” vị nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Khung thuế nylon 50.000 đồng/kg vẫn chưa đủ

Để giải quyết thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự giác giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy và tích cực thay thế bằng những sản phẩm dễ phân hủy. Tiếp đó là tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon sử dụng một lần.

“Khi đã cấm sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon mỏng sử dụng một lần thì các doanh nghiệp, nhu cầu xã hội buộc sẽ phải tìm ra những biện pháp mới để thay thế,” ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã làm việc với các Đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị-xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng.

Ông Nhân cũng kiến nghị cần khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt đánh thuế nặng các đơn vị sản sinh ra nhiều chất thải nhựa khó phân hủy và đánh thuế cả vào người tiêu dùng.

“Đối tượng chịu thuế nylon sử dụng một lần đã được quy định trong Luật Thuế Bảo vệ môi trường với khung cao nhất là 50.000 đồng/kg. Tuy mức thuế này cao nhất khung nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ,” ông Nhân nêu quan điểm và cho rằng cần đánh thuế cao đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, cần quy định trong Luật thuế việc miễn hoặc giảm tối đa đối với các nhà sản xuất ra túi thân thiện với môi trường.

Cùng chung quan điểm, bà Trịnh Kim Chi đề xuất, để đẩy lùi việc sử dụng túi nylon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, cần phải nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nylon; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, tiến tới cấm sử dụng túi nylon dùng một lần./.

Cũng trong sáng 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của các Hội xã hội trong phong trào chống rác thải nhựa vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.”

Tại sự kiện,Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền đã kêu gọi các Hội xã hội cùng chung tay, quyết tâm chống rác thải nhựa thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền, phố biến đến các cấp Hội và Hội viên về tác hại của các đồ dùng từ nhựa, đặc biệt là các đồ nhựa dùng một lần, từ đó, từ bỏ thói quen dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, túi nylon dùng một lần.

Đặc biệt, Hội Người cao tuổi đã phát động phong trào “mỗi hội viên giảm sử dụng 1 túi nylon mỗi lần dùng.” Ngoài ra, phương châm “Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa” sẽ được người cao tuổi thực hiện với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”