Liên kết hữu ích
Thống kê truy cập
Đang online: 5
Lượt truy cập: 418379

Hưng Yên hình thành sản phẩm du lịch mang bản sắc Phố Hiến

Làm thế nào để khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch, tìm chỗ đứng cho Hưng Yên trong vị trí bản đồ du lịch cả nước, là vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội thảo 'Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên', diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/11.

Làm thế nào để khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch, tìm chỗ đứng cho Hưng Yên trong vị trí bản đồ du lịch cả nước, là vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội thảo 'Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên', diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/11.
Hội thảo đã tập hợp hơn 20 ý kiến tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Tổng cục Du lịch, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực du lịch. Các ý kiến tập trung phân tích về các vấn đề như: Định vị sản phẩm du lịch Hưng Yên trong vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên đất Phố Hiến và cac giải pháp để du lịch Hưng Yên phát triển bền vững. 


Nhiều di sản sống chưa được đánh thức, khai thác

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Hưng Yên có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 trong cả nước. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những "di sản sống" còn bị bỏ ngỏ, sau một thời gian dài các di sản này vẫn như những "người đẹp ngủ quên trong rừng" chưa được các nhà đầu tư đánh thức, khai thác. 

Ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều khu di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cụm di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, Cụm di tích Đa Hoà - Dạ Trạch, Khu đô thị sinh thái Ecopark Văn Giang, Di tích đền Phù Ủng, Cụm di tích Tống Trân, Cây đa và Đền thờ La Tiến...

Hưng Yên còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu Chèo, Ca trù, Trống quân mượt mà đằm thắm. Hưng Yên còn có các làng nghề truyền thống như: Làng đúc đồng Lộng Thượng, làng chạm bạc Huệ Lai, hương xạ Cao Thôn, nghề đan đó dọ Thủ Sỹ, nghề làm tương Bần… Nói đến Hưng Yên không thể quên được nhãn lồng Phố Hiến, cùng nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác như: Hạt sen, chè sen long nhãn, cam đường canh, tương bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn… là những sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Hưng Yên. 
Hiện tại, cơ cấu sản phẩm du lịch của Hưng Yên mới chủ yếu tập trung khai thác ở các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hoá; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch làng nghề, du lịch văn hoá tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng như: Phố Hiến - Đa Hoà Dạ Trạch đến làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)…

Tuy nhiên, du lịch Hưng Yên còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Phần lớn tài nguyên du lịch là các di tích lịch sử, văn hoá chưa thu hút nhiều du khách; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và xuống cấp; tầm nhìn quy hoạch đầu tư thấp, chưa ổ̉n định, thiếu tính lâu dài; sản phẩm du lịch chưa phong phú, trùng lặp; chất lượng sản phẩm thấp, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế... 

Nhược điểm cơ bản của sự phát triển du lịch hiện nay ở Hưng Yên là còn tự phát, manh mún; việc đầu tư phát triển du lịch chỉ dựa trên cái sẵn có và làm theo cách dễ nhất, chưa chú trọng đến nhu cầu của khách du lịch. Điều này đi ngược lại nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, một mục tiêu cơ bản và cần thiết trong xây dựng và phát triển của ngành du lịch hiện đại. Du lịch Hưng Yên chưa tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng để hấp dẫn du khách do chưa có sản phẩm đặc trưng, chưa định vị rõ nét trên bản đồ du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước. 

Tạo sản phẩm du lịch mang sắc thái xứ nhãn 
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các vấn đề cụ thể như: Tài nguyên du lịch Hưng Yên phải khai thác và phát triển cụ thể như thế nào ? Thực trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng phải được khắc phục làm sao? Du lịch Hưng Yên đang đứng ở vị trí nào trong bản đồ du lịch cả nước?

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phố Hiến Hưng Yên được xác định là một trong 8 điểm du lịch quốc gia. Theo đó, Hưng Yên cần có tư duy đột phá trong phát triển du lịch đặc thù, mang sắc thái riêng; cần nhận diện các giá trị cốt lõi, đặc trưng, điển hình nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho điểm du lịch.

Về vấn đề trên, ông Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đưa ra ý tưởng: Hưng Yên có thể phục dựng phố Hiến mang dáng dấp, hình hài của quá khứ với các đền, chùa, thương điếm mang kiến trúc cổ xưa, kết hợp tái tạo một cảnh thương cảng cổ bên dòng sông Hồng lịch sử, xây dựng Phố Hiến thành phố đi bộ để du khách tham quan, chiêm bái các di tích đền, chùa... để Phố Hiến trở thành một bảo tàng sống về đô thị cổ. Tương tự, tại các điểm khác như làng Nôm cũng có thể phục dựng một quần thể di tích từ làng cổ đến đình, chùa, chợ... tạo ra một bảo tàng hấp dẫn về làng Việt cổ với những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc.  

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, dòng sản phẩm chủ đạo tạo tính cạnh tranh cho du lịch Hưng Yên gắn với trải nghiệm các giá trị lịch sử văn hóa, kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng. Trong đó, cần chú trọng phát huy giá trị khu di tích Phố Hiến gắn với du lịch sông Hồng, chú ý các sản phẩm bổ trợ như loại hình du lịch làng nghề - cụ thể là Làng nghề dược liệu Nghĩa Trai kết hợp tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; du lịch cộng đồng trải nghiệm tại các vùng nhãn Phố Hiến; dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng tại Ecopark... 

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghê Việt Nam cho rằng, Hưng Yên cần khai thác phát triển làng nghề truyền thống của xứ nhãn thành sản phẩm đặc trưng, trở thành lợi thế cho phát triển du lịch. Bởi nơi đây có rất nhiều làng nghề truyền thống, song du lịch làng nghề vẫn bị bỏ quên, vẫn chỉ dừng lại ở sản xuất hàng hóa mà chưa gắn với du lịch. Điển hình như Làng hoa cây cảnh Xuân Quan, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, Làng nghề chạm bạc Phù Ủng... Theo đó, Hưng Yên cần quy hoạch, phát triển hệ thống làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch, nâng cấp từ chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), với những hàng hóa đặc trưng và khác biệt, là những sản phẩm lưu niệm hấp dẫn du khách.

Để xác định được các sản phẩm du lịch đặc trưng, cần làm nổi bật được các giá trị tài nguyên văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng, các kiến trúc cổ, các di tích đền, chùa, phố cổ... Từ đó, đưa ra các chính sách xúc tiến, quảng bá hợp lý, nâng tầm để du lịch Hưng Yên khai thác hiệu quả các tiềm năng vốn có, sớm khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, ghi dấu ấn đối với du khách trong nước và quốc tế.